Một số nội dung mới đáng chú ý quy định tại Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, nguồn lực, chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Cụ thể, công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận quan trọng, ngành đặc thù của công nghiệp quốc gia, thành phần cơ bản của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh; có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm, dịch vụ khác phục vụ quốc phòng, an ninh; góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.
Động viên công nghiệp là một nhiệm vụ của động viên quốc phòng, huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực của doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang thuộc mọi thành phần kinh tế để sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật cho Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ; nghiên cứu, sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ quốc phòng. Động viên công nghiệp được chuẩn bị và thực hiện từ thời bình, thực hành động viên khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh.
Đoàn khảo sát kiểm tra các sản phẩm động viên công nghiệp của Công ty Nghĩa Thành
Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách
Đáng chú ý, Luật quy định việc thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh; xác định rõ đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương, do Chính phủ quản lý để hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh được hình thành từ các nguồn tài chính sau đây:
- Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
- Nguồn vốn hợp pháp được cấp có thẩm quyền quyết định;
- Nguồn trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 của Luật này;
- Đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước;
- Nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc hoạt động của Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh được quy định: Không vì mục đích lợi nhuận; Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả; Hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, phân bổ và sử dụng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp lập, tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh
Liên quan đến quy định về đất sử dụng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, Điều 27 Luật quy định đất sử dụng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh là đất quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong phạm vi quản lý, chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập, tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh theo quy định của pháp luật về đất đai, trong đó có đất phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.
Chức năng, nhiệm vụ của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng
Một trong những nội dung mới đáng chú ý nhằm thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW là các quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Theo đó tổ hợp công nghiệp quốc phòng không hình thành pháp nhân, không phải là tập đoàn mà được xác định là hệ thống liên kết, hợp tác của cơ sở công nghiệp quốc phòng, tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện nhất định, lấy cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt đủ điều kiện làm hạt nhân để hình thành chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm quốc phòng theo nhóm, chuyên ngành sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật.
Vì vậy, Luật quy định tổ hợp công nghiệp quốc phòng có các chức năng, nhiệm vụ như: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất quốc phòng; Làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; Huy động nguồn lực quốc gia phát triển công nghiệp quốc phòng; Nghiên cứu, sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh, chuyển giao công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tham gia xuất khẩu sản phẩm quốc phòng.
Thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng bao gồm: Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng gồm tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội nhân dân; tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo.
Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Ngoài ra, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Trong đó, quy định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về công nghiệp an ninh và có các trách nhiệm:
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này;
- Tổ chức, quản lý hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh thuộc Bộ Công an;
- Hướng dẫn Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công nghiệp an ninh;
- Xây dựng tiêu chí và Danh mục nhóm sản phẩm phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 78 của Luật này;
- Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Cơ quan chuyên trách về công nghiệp an ninh.